Thứ Sáu, 3 tháng 1, 2014

Các tư thế khi chụp ảnh cưới

Để có một album cưới đẹp thì tư thế tạo dáng là một trong những yếu tố quan trọng nhất trong quá trình chụp ảnh cưới. Tuy nhiên, không phải cô dâu chú rể nào cũng quen được chụp ảnh vì thế đôi khi sẽ bị “đơ” (gượng gạo) trước ống kính của nhiếp ảnh, điều này sẽ khiến bức ảnh mất đi sự tự nhiên vốn có, làm giảm mức độ chân thật của album ảnh cưới nhất là đối với việc chụp ảnh cưới ngoại cảnh còn có nhiều người xung quanh dòm ngó. Dưới đây là những hướng dẫn bạn các tư thế khi chụp ảnh cưới để có 1 album ảnh cưới tuyệt đẹp cho riêng bạn.

01. Chụp ảnh cưới với các tư thế đứng
a. Tư thế cơ bản
Đây là tư thế cơ bản đầu tiên thường được các nhiếp ảnh sắp xếp thực hiện trước tiên trong một buổi chụp ảnh cưới. Với tư thế này cô dâu, chú rể đứng sát nhau, không chừa khoảng trống. Một điều lưu ý là cả hai bạn nên cầm tay hoặc ôm eo nhau, không nên thả thõng bên hông vì trông sẽ mất cân đối, khiến bức ảnh không tự nhiên.

b. Ôm bả vai
Chú rể sẽ đứng hơi chếch về một bên, cô dâu một tay ôm bó hoa thả xuống ngang hông và tay kia ôm bả vai của chú rể. Chụp ảnh cưới với tư thế này thường sẽ tạo được cảm giác tự nhiên, gần gũi.

c. Trán chạm trán


Đây là một trong những tư thế chụp ảnh cưới thân mật và tình cảm nhất nên rất được cô dâu, chú rể ưa chuộng. Hãy nhắm mắt lại để không tạo ấn tượng là cô dâu chú rể đang nhìn chằm chằm vào nhau và điều đó làm tăng sự tự nhiên cho bức ảnh. Nếu có sự chênh lệch quá nhiều về chiều cao, hãy điều chỉnh sao cho cả hai nhân vật chính bằng hoặc gần bằng nhau.

d. Ánh nhìn bất chợt
Cô dâu và chú rể tay trong tay, mắt nhìn về nhau, môi nở nụ cười càng tươi càng tốt. Để tư thế trông tự nhiên hơn, một tay của chú rể có thể nắm một bên vạt áo vest hoặc đút tay vào túi quần, còn tay kia của cô dâu thì nắm hoặc ôm tay chú rể, hoặc để một bên hoặc giấu phía sau lưng.

e. Say đắm
Với tư thế này, chú rể vòng hai tay ôm lấy eo cô dâu, còn tay cô dâu có thể đặt trên cánh tay chú rể, ôm sát nhau để tạo sự thân mật. Sau đó bốn mắt nhìn vào nhau, môi cười rạng rỡ.

f. Nụ hôn lãng mạn

Trong bất kỳ album cưới nào cũng không thể thiếu nụ hôn. Hai yếu tố cần nhất ở tư thế này chính là sự gần gũi và vị trí đặt tay. Cô dâu chú rể nên đứng sát nhau, không để thấy khoảng cách, tay không nên thõng xuống một cách vô định, mà nên nắm lấy nhau hoặc đặt tay lên vai, eo nhau.

g. Hôn lên má
Cũng là một tư thế chụp cổ điển, nhưng nó thể hiện được tình cảm thân mật hay đùa giỡn còn tùy vào biểu hiện trên khuôn mặt của cô dâu và chú rể.

h. Ôm từ phía sau

Một vòng tay ôm từ phía sau sẽ tạo sự thân mật làm nổi bật nền ảnh. Cô dâu nên đặt tay lên tay chú rể và có thể hơi xoay đầu ra sau để nhìn chú rể hoặc cả cô dâu, chú rể cùng nhìn về một hướng sẽ khiến bức ảnh lãng mạn hơn.

02. Chụp ảnh cưới với các tư thế ngồi đẹp
a. Tựa vào nhau
Yếu tố quan trọng nhất của tư thế này là cách đặt tay. Chỉ cần tay đặt sai một chút cũng có thể làm hỏng cả bức ảnh.

b. Nhìn vào mắt nhau
Cách tạo dáng này là một phương thức tốt nhất để thể hiện sự tương tác giữa cặp đôi. Cô dâu chú rể ngồi ngang nhau, hoặc dạn hơn thì cô dâu nên ngồi trên đùi chú rể, ánh mắt tình cảm sẽ khiến bức ảnh thân mật hơn.

c. Nụ hôn nồng nàn
Ngồi hôn cũng là một góc ảnh lãng mạn, phù hợp với bất kỳ khung cảnh nào dù là xa hay gần. Bối cảnh có thể là một chiếc ghế hay bậc thang, hoặc trong xe,…

d. Ngồi tựa đầu
Cô dâu và chú rể nên thả lỏng tinh thần, ngồi theo một tư thế bình thường, thoải mái nhất. Tay chú rể nên bắt vào nhau và để ở phía trước chân, cô dâu choàng tay ôm lấy cánh tay của chú rể, đầu ngả vào vai chàng.

03. Những tư tế chụp ảnh cưới khác cần có
a. Rời mắt khỏi ống kính
Không phải lúc nào cũng phải cũng nhìn vào ống kính, hãy làm phong phú cho bộ ảnh của mình bằng cách nhìn ở nhiều phương hướng khác nhau. Điều đó sẽ tạo được sự lãng mạn và làm nổi bật khung ảnh hơn.

b. Bế, cõng cô dâu
Dù cho cô dâu chú rể có tính cách trẻ trung hiện đại hay lãng mạn thì tư thế chụp này cũng cực kỳ thích hợp. Có thể đơn giản chỉ nở nụ cười trên môi, nhưng sẽ không kém phần thân mật bằng một nụ hôn.


c. Đối xứng
Cô dâu và chú rể đứng đối diện, cách nhau một khoảng cách bằng cánh tay, dồn người về phía trước, thẳng lưng, hai tay đưa ra sau lưng và “chạm” nhau ở giữa bằng một nụ hôn. Một tư thế đối xứng không thể đẹp hơn trong bộ ảnh cưới.

d. Nhìn đơn phương
Cô dâu nhìn vào máy, còn chú rể sẽ nhìn vào cô dâu, hoặc ngược lại. Góc ảnh này sẽ rất đẹp và thể hiện rõ nét tình cảm của chú rể đối với cô dâu hoặc của cô dâu đối với chú rể.

e. Chàng ngắm nàng từ phía sau
Tư thế này sẽ làm nổi bật một trong hai nhân vật chính, đó có thể là cô dâu hoặc chú rể, nhưng thường thì chú rể sẽ “làm nền” cho nửa kia của mình. Tuy nhiên, có một điểm cần lưu ý là người đứng sau không nên cách quá xa người đứng trước, có như vậy mới có thể nhận diện được người đứng sau. Ngoài ra, người đứng sau cũng cần phải nhìn vào người phía trước, không nhìn vào máy.

f. Tung cánh bay
Tư thế này tạo nên ấn tượng “động” cho album “sống” hơn. Điều quan trọng là cô dâu, chú rể phải diễn cho nhịp nhàng giữa khoảng cách nhảy không quá “lố” với nhau.

Đó chỉ là những góc ảnh, tư thế cơ bản nhất, là điểm bắt đầu để cô dâu chú rể sáng tạo hơn cho album cưới của mình. Các bạn có thể biến hóa thêm đa dạng, điều chỉnh góc độ để tạo nên một cái nhìn và cảm nhận hoàn toàn khác biệt cho hình ảnh trong cuốn sổ ghi dấu tình yêu của mình.

(Sưu tầm)

7 bí quyết cho cô dâu đẹp trong ngày cưới

Điều gì cũng cần có sự chuẩn bị, càng kỹ càng càng đảm bảo kết quả gần với mong muốn. Đừng quên 7 điều như sau, nếu cô dâu muốn yên tâm về sự xuất hiện của mình sẽ không vướng bận chút nào âu lo.


1. Chuẩn bị tình huống cho sự cố về váy cưới có thể xảy đến bất cứ lúc nào
Bị đổ rượu, cà phê, nước trà hoặc thức ăn lên áo cưới trắng tinh là sự cố hoàn toàn có thể xảy ra trong một buổi tiệc đông người mà ai cũng hân hoan. Áo cưới bị dính cỏ dập nát, lem luốc màu hoặc sút chỉ ở một vị trí nào đó cũng là “tai nạn” cần được dự phòng…  Bạn cần chuẩn bị những dụng cụ cần thiết như phấn/bột che vết bẩn tạm thời hay kim, chỉ để cứu nguy kịp thời cho áo cưới trong trường hợp khẩn cấp.

2. Đóng gói bộ đồ nghề làm đẹp, bao gồm:
- Khăn giấy, bông gòn
- Kẹp tóc, kẹp tăm
- Dung dịch xịt thơm miệng
- Chỉ nha khoa
- Khăn ướt, nước khoáng xịt lên da
- Kem dưỡng
- Son, son dưỡng, son lót, má hồng,
mascara, phấn mắt, phấn phủ…
- Băng dán cá nhân
- Băng vệ sinh hàng ngày
- Nước chùi sơn móng
- Giấy thấm dầu
- Phấn/phấn bột để che vết bẩn
- Băng keo hai mặt
- Kim, chỉ

3. Làm đẹp tổng thể
Ít nhất hai tuần trước khi cưới, bạn cần có kế hoạch làm đẹp toàn diện và chắc rằng mọi thứ đã ổn: tóc, da, kiểu trang điểm, đồ trang sức, phụ kiện… Điều này rất quan trọng để bạn có kế hoạch kịp thời nếu cần phải chữa trị một vài vấn đề về da, tóc… Đừng quên waxing trước ngày cưới để chắc rằng làn da mình mịn màng nhất và không bị vướng mắc bởi sợi lông gây mất thẩm mỹ nào. Hơn nữa, bạn cũng cần lựa chọn và thử kiểu trang điểm xem có phù hợp với gương mặt, váy cưới, kiểu tóc và quan trọng là da có bị dị ứng với sản phẩm nào hay không…

4. Chọn đúng kiểu trang điểm phù hợp với mình
Ngày cưới sẽ đầy các hoạt động liên tục và bạn khó có thời gian nghỉ ngơi thoải mái. Do đó, nên chọn kiểu trang điểm phù hợp, không quá dày hoặc quá mỏng nhưng đủ kéo dài và không bị phai sau nhiều giờ. Son không phai và mascara không thấm nước cần được ưu tiên lựa chọn.


5. Bắt đầu và kết thúc thật tốt
Chọn đúng kiểu trang điểm cùng các loại mỹ phẩm cũng chỉ mới là một nửa “trận chiến”. Bạn cần ổn định phong độ cho cả ngày cưới để đảm bảo cô dâu không bị chê là phờ phạc, kém sắc, nhạt nhòa. Để giữ lớp phấn nền, màu mắt và má hồng lâu phai, cần chăm chút cho lớp nền và phấn phủ thật tốt ngay từ bước đầu trang điểm.

6. Cần một người giúp kiểm tra việc làm đẹp suốt ngày cưới
Hãy chọn một người có kinh nghiệm trong việc làm đẹp (đặc biệt là trang điểm) mà bạn tin tưởng, có thể giúp theo dõi việc này suốt cả ngày. Họ sẽ quan sát để nhắc nhở, dặm lại các bước trang điểm, đảm bảo cho bạn lúc nào cũng đẹp nhất và không có sơ sót nào.

7. Dành thời gian đến nha sĩ
Nụ cười luôn quan trọng, đặc biệt trong ngày bạn sẽ cười rất nhiều, rất tươi. Lúc này, những ưu – khuyết điểm của răng sẽ lộ ra hết. Bạn cần dành một buổi để đến nha sĩ, kiểm tra và tổng vệ sinh để đảm bảo răng đẹp, sạch, bóng nhất có thể. Chắc chắn nụ cười của bạn sẽ tỏa sáng hơn nhiều.

(Sưu tầm)

Thứ Năm, 2 tháng 1, 2014

Mẹo chọn trang phục chụp ảnh cưới ngoại cảnh

Chụp ảnh cưới ngoại cảnh được nhiều cô dâu, chú rể yêu thích bởi nó tạo cảm giác vui mắt và sinh động hơn hẳn so với khi chụp trong studio. Tuy nhiên, để có được album ảnh cưới ngoại cảnh thành công thì ngoài yếu tố thời tiết, màu sắc trang phục cũng đóng vai trò quan trọng.
Với các cô dâu, khi chọn áo cưới chụp ảnh cưới ngoại cảnh, mách bạn chọn áo cưới sau đây:

- Cô dâu nên tránh những trang phục rườm rà, nhiều tầng lớp và bèo nhún bởi nó sẽ tạo cảm giác rối mắt khi hòa vào khung cảnh thiên nhiên. Hãy chọn những dáng váy đơn giản, thanh lịch nhưng có độ rủ và thướt tha.


- Chất liệu của chiếc áo nên là vải lụa, chiffon, satin, tuyn… Đây là những loại vải phổ biến nhất cho áo cưới bởi tính chất mềm mỏng, nhẹ nhàng và nữ tính. Những chiếc áo bằng vải Taffeta thường bóng, cứng nên sẽ hợp hơn với những bức ảnh chụp trong phòng và không gian sang trọng.

- Về màu sắc, cô dâu nên chọn những gam màu tương đồng với khung cảnh. Áo trắng không kén chọn nước da cô dâu cũng như dễ dàng nổi bật trên nền xanh, đỏ của hoa lá, cây cỏ. Nếu thích áo màu, cô dâu nên chọn những chiếc áo pastel để vẫn giữ nguyên được nét tinh khôi cho áo cưới.

- Cô dâu vẫn có thể lựa chọn những chiếc áo cưới sexy để khoe đường cong quyến rũ nhưng phần chân váy cần có độ xòe hợp lý để dễ dàng di chuyển. Những chiếc áo đuôi cá hoặc ôm sát cơ thể sẽ bất tiện và có thể ảnh hưởng tới cảm xúc của cô dâu. Thoải mái là yếu tố không nên bỏ qua khi chọn bất cứ trang phục nào.


- Ngoài ra bạn có thể chọn cho mình những trang phục như áo đôi, áo sơ mi đơn giản,…giúp bạn có một cách taọ dáng thật thoải mái và tự nhiên.

Chụp ảnh cưới với áo dài đẹp lung linh

Nếu chọn chụp theo studio thì cặp đôi sẽ được phía studio chuẩn bị phụ kiện, tuy nhiên nếu chụp tự do và để có những bộ ảnh ấn tượng với áo dài thfi các cô dâu nên lưu ý vài điểm nhấn nhá sau theo từng kiểu áo dài cưới nhé.

1. Với áo dài cưới cổ điển


Trang phục của kiểu áo dài cưới này thường là áo dài trắng, quần đen kết hợp với chú rể áo gilê và sơ mi, quần đeo dây. Để có những kiểu ảnh đẹp trong trang phục này trước hết cô dâu chú rể phải chú ý tới cách trang điểm. Phong cách này phù hợp với kiểu trang điểm tự nhiên, pha một chút hoài cổ (qua tông màu mắt, môi…), tóc tết xõa ngang vai hoặc buộc hờ phía sau gáy. Phụ kiện kèm theo thường là kiềng bạc, vòng ngọc trai, tay cầm có hoa sen, hoa hướng dương hoặc giỏ hoa mây,…

2. Với áo dài cưới truyền thống


Đây là kiểu áo dài đậm phong cách truyền thống Việt Nam, chú rể mặc áo dài nam, đội khăn xếp, mang giầy truyền thống, cô dâu cũng theo đó mà chọn màu phù hợp như đỏ, hồng,… Địa điểm chụp hình cưới thường là những nơi mang đậm phong cách làng quê Việt Nam như chùa chiền, sân đình, giếng nước, hồ sen,… Trang điểm theo phong cách này cần phù hợp với tông màu áo dài, có thể trang điểm đậm một chút.

3. Với áo dài cưới cách tân


Hiện nay, xu hướng chọn áo dài cưới cách tân thường là áo dài ren, với hai màu chủ đạo trắng, đỏ. Chọn loại ren phù hợp với dáng người và nước da của cô dâu cũng là một phần không thể thiếu để tạo nên một bộ áo dài đẹp. Trang điểm cho phong cách này thường nhẹ nhàng, thậm chí để tự nhiên, địa điểm chụp có thể ở studio hay ngoài trời khung cảnh bình dị. Phụ kiện kèm theo có thể kèm hoa tươi, lúp,… và không kèm kiềng bạc.

(Sưu tầm)